Từ những việc làm sai trái, thiếu đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp (BTTP) trong thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Sở Tư pháp nhận rất nhiều đơn, thư của công dân phản ánh, tố cáo sai phạm trong hoạt động của các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp. Ảnh: A.Nhơn
Hậu quả từ việc làm chứng mua bán nhà đất giấy tay
Theo quy định tại Điều 22 của Luật Luật sư sửa đổi năm 2012, phạm vi hành nghề luật sư (HNLS) không bao gồm nội dung làm chứng. Do đó, tổ chức HNLS không được phép làm chứng hay chứng thực hợp đồng mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ). Thế nhưng, một số tổ chức, cá nhân HNLS thời gian qua đã làm chứng mua bán đất giấy tay không có giá trị pháp lý và để lại hậu quả khôn lường, nhất là việc tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Một trong những vụ việc được phát hiện gần đây là trường hợp liên quan đến luật sư N.D.B. (ngụ thành phố Biên Hòa). Ông B. là luật sư nên hiểu biết rất rõ về pháp luật liên quan đến điều kiện chuyển nhượng QSDĐ. Thế nhưng, ông B. đã thực hiện xác thực và làm chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trái quy định pháp luật cho nhiều người dân.
Cụ thể, năm 2020, luật sư B. thực hiện việc xác thực và làm chứng các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông B.V.T. (chủ một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở Đồng Nai) với nhiều người dân (bà N.T.T. và bà N.T.D., cùng ngụ tỉnh Bình Dương; ông Đ.L.H., ngụ thành phố Biên Hòa…). Những người dân tham gia các giao dịch đã tin tưởng luật sư B., ngộ nhận việc chuyển nhượng trên đã được công chứng nên đã ký kết các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.
Tuy nhiên, sau khi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh tiến hành bắt ông B.V.T. để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì những người dân tham gia giao dịch nói trên mới biết mình là người bị hại. Những người này đã liên hệ luật sư B. để yêu cầu giải thích, hướng dẫn xử lý nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Do đó, họ đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật của ông B. đến nhiều nơi. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Liên quan đến việc luật sư làm chứng hợp đồng mua bán nhà đất giấy tay, lãnh đạo Sở Tư pháp cho rằng, hiện pháp luật không ghi nhận việc làm chứng cho các thỏa thuận mua bán đất của luật sư. Việc làm chứng cho các giao dịch mua bán đất của luật sư trong bối cảnh thiếu hiểu biết pháp luật của người dân là hành động gián tiếp tiếp tay cho hành vi lừa đảo của một số đối tượng. Điều này không chỉ xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người dân, mà còn làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, nguyên nhân làm gia tăng các vụ tranh chấp dân sự.
Cán bộ tư pháp – hộ tịch phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Thành Hưng cho biết, việc luật sư làm chứng mua bán nhà đất giấy tay đã để lại hậu quả khôn lường, các vụ tranh chấp đất đai của người dân trên địa bàn phường Trảng Dài ngày càng trở nên phổ biến. Hầu hết các vụ tranh chấp đất đai đều đã thông qua văn phòng luật sư làm chứng trong hợp đồng mua bán. Thậm chí, có hồ sơ chuyển nhượng đất đai qua rất nhiều người và mỗi lần chuyển nhượng đều thông qua luật sư làm chứng. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, nhất là công tác hòa giải gặp nhiều khó khăn, không thể thương lượng giữa các bên. Do vậy, trên 90% các vụ việc tranh chấp đất đai đều hòa giải không thành.
Ngoài ra, việc cố tình “lách luật” treo biển hiệu mập mờ trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý trong hoạt động HNLS dễ gây nhầm lẫn và làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Một số tổ chức HNLS hoạt động không đúng trụ sở đăng ký đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Một số tổ chức dù không có chức năng trong lĩnh vực công chứng nhưng vẫn dùng mọi thủ đoạn (đặt tên có từ “công chứng”, công khai đăng bảng quảng cáo nhận làm dịch vụ công chứng…) để thực hiện công chứng, chứng thực và đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên hành nghề chân chính khác. Một số doanh nghiệp đấu giá tài sản đã lợi dụng “khe hở” của pháp luật để thực hiện hoạt động đấu giá tài sản theo hướng tiêu cực, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 57 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 2 phòng công chứng và 55 văn phòng công chứng với 112 công chứng viên đang hành nghề; có 142 tổ chức HNLS (59 công ty, 83 văn phòng luật sư với 450 luật sư); có 5 tổ chức hành nghề đấu giá tài sản với 15 đấu giá viên (1 trung tâm, 4 công ty) và 5 chi nhánh của các tổ chức đấu giá tài sản.
Đối phó theo kiểu “bình mới, rượu cũ”
Năm 2024, Đoàn Luật sư tỉnh tiếp nhận và giải quyết 11 vụ tranh chấp giữa luật sư, tổ chức HNLS với khách hàng. Đoàn Luật sư tỉnh đã xử lý kỷ luật 4 luật sư với các hình thức: nhắc nhở, khiển trách, cảnh cáo. Đặc biệt, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh đã ban hành các quyết định xóa tên khỏi danh sách đối với 3 luật sư: P.ĐT., P.V.T. và N.D.B.
Cụ thể, luật sư P.Đ.T. (ngụ thành phố Biên Hòa) bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh kết án 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Luật sư P.V.T. (ngụ thành phố Biên Hòa) bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai kết án 18 tháng tù về tội đưa hối lộ. Luật sư N.D.B. (ngụ thành phố Biên Hòa) đã có những vi phạm: khai báo không trung thực về quá trình công tác của mình tại Công an tỉnh Đồng Nai, không đủ điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn tập sự HNLS theo quy định tại Điều 13 và Điều 16, Luật Luật sư sửa đổi năm 2012; sử dụng giấy tờ không hợp pháp để xin cấp chứng chỉ HNLS theo quy định và đã bị Chi bộ Đoàn Luật sư tỉnh phát hiện, xử lý kỷ luật Đảng. Trong quá trình hành nghề luật sư, luật sư B. đã sử dụng danh nghĩa luật sư dưới pháp nhân không phải là tổ chức HNLS để tư vấn cho nhiều khách hàng, gây nhầm lẫn và thiệt hại rất lớn về tài sản cho khách hàng, đến nay vẫn chưa khắc phục…
Tại buổi làm việc với Sở Tư pháp ngày 31-12-2024, luật sư Hà Mạnh Tường, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, cho rằng để tăng cường công tác phối hợp ngày càng hiệu quả hơn, kiến nghị Sở Tư pháp nên để thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh tham gia vào các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức HNLS, luật sư trên địa bàn tỉnh. Còn với những trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất mang tính chất đặc thù, sở cần thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra kịp thời để Đoàn Luật sư tỉnh nắm và dựa trên cơ sở đó có hướng giải quyết, xử lý theo quy định.
Những năm qua, Ban Chấp hành Hội Công chứng viên tỉnh đã tích cực thực hiện quy chế phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động công chứng. Năm 2024, Hội Công chứng viên tỉnh nhận được các văn bản do Sở Tư pháp chuyển đến với tổng cộng 12 trường hợp yêu cầu xem xét xử lý khiếu nại, tố cáo, phản ánh và 3 trường hợp yêu cầu xem xét xử lý kỷ luật.
Đến nay, Hội Công chứng viên tỉnh đã xử lý khai trừ 3 trường hợp công chứng viên (2 trường hợp bị khai trừ do Bộ Tư pháp miễn nhiệm, 1 trường hợp bị phê bình nghiêm khắc rút kinh nghiệm), các trường hợp còn lại sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.
Theo cán bộ tư pháp – hộ tịch phường Trảng Dài Nguyễn Thành Hưng, thời gian qua, UBND phường Trảng Dài đã phối hợp với Sở Tư pháp đi kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân HNLS trên địa bàn phường. Qua đó, Sở Tư pháp đã kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những sai phạm, giúp cho hoạt động HNLS có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện một số tổ chức, cá nhân HNLS đã “biến tướng” theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Tức là các tổ chức này đã thành lập công ty mới và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhưng vẫn lén lút nhận làm dịch vụ pháp lý để thu tiền của người dân.
Về vấn đề trên, lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết, để tăng cường công tác quản lý trong hoạt động luật sư và công chứng, Sở Tư pháp sẽ tăng cường quy chế phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Công chứng viên tỉnh và thường xuyên thông tin, trao đổi để cùng nhau giải quyết các vụ việc kịp thời; tăng cường công tác giám sát trong thời gian tới, nhất là những tổ chức, cá nhân có những sai phạm (theo phản ánh, tố cáo của công dân).
An Nhơn
Bài 3: Lập lại trật tự trên lĩnh vực bổ trợ tư pháp