Một trong những lợi ích lớn nhất của chính sách này là giảm áp lực cho phụ huynh và học sinh. Bởi thực tế, nhiều gia đình sinh sống ở ranh giới giữa các địa phương thường gặp khó khăn khi phải cho con em học trường đúng tuyến nhưng xa nhà. Điều này không chỉ gây phiền toái trong việc đưa đón mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và thời gian học tập, nghỉ ngơi của học sinh. Khi bỏ quy định tuyển sinh theo địa giới hành chính, các em có cơ hội được học tại những ngôi trường gần nhà nhất, thuận tiện cho việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày.
Thêm vào đó, chủ trương này còn giúp hạn chế tình trạng “chạy trường, chạy lớp” vốn diễn ra khá phổ biến ở các thành phố lớn. Do các trường “điểm”, trường có chất lượng giáo dục tốt thường tập trung ở một số khu vực, nhiều phụ huynh đã phải tìm cách chuyển hộ khẩu, xin giấy xác nhận tạm trú hoặc thậm chí “lót tay” để con được học đúng trường mong muốn. Điều này gây bất công trong tiếp cận giáo dục và tạo áp lực không cần thiết cho hệ thống trường học. Khi học sinh được học ở trường gần nhà bất kể ranh giới địa phương, nhu cầu “chạy trường” sẽ không còn lý do để tồn tại, góp phần tạo ra môi trường giáo dục công bằng hơn.
Như tại thành phố Biên Hòa, nhiều trường học trọng điểm luôn trong tình trạng quá tải học sinh, không chỉ gây áp lực về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Chính sách tuyển sinh mới sẽ giúp phân bổ học sinh đồng đều, giảm áp lực cho các trường “hot” và tạo điều kiện để trường ở vùng ven phát triển. Học sinh sẽ không bị “dồn toa” vào một số trường nhất định, thay vào đó được học trong môi trường thuận tiện và đảm bảo chất lượng.
Về lâu dài, việc bỏ rào cản địa giới hành chính trong tuyển sinh sẽ góp phần xây dựng một nền giáo dục công bằng, hiện đại và lấy người học làm trung tâm. Khi mọi học sinh đều có cơ hội học tập trong môi trường gần gũi, thuận tiện, không phân biệt vị trí hành chính, hệ thống giáo dục sẽ phát triển theo hướng linh hoạt, năng động và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, để chính sách này sớm được hiện thực hóa, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và chính quyền địa phương trong việc quy hoạch hệ thống trường lớp, đảm bảo phân bổ hợp lý, đồng thời tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để các trường đều có chất lượng đồng đều.
Minh Ngọc