
Sinh viên tại Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts (Mỹ). Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo các sinh viên nước ngoài đang theo học tại Harvard cần nhanh chóng chuyển sang trường khác nếu không muốn mất tư cách pháp lý tại Mỹ. Tuy nhiên, yêu cầu này gần như bất khả thi đối với các sinh viên do thời hạn chuyển trường đã qua từ tháng 3.
“Thật sự là chúng tôi không thể làm gì vào lúc này”, một sinh viên năm nhất giấu tên chia sẻ. Cô cho biết hiện nay, họ chỉ có thể chờ đợi thêm thông tin từ trường vì “mọi chuyện vẫn chưa lắng xuống”.
Sinh viên quốc tế chiếm khoảng 27% tổng số sinh viên tại Harvard, và Trung Quốc là một trong những nguồn sinh viên lớn nhất – ước tính từ 1.800 đến 2.300 sinh viên mỗi năm, theo số liệu từ trang web của trường.
Quyết định thu hồi quyền tuyển sinh được lý giải bởi Bộ An ninh Nội địa là phản ứng trước những lo ngại liên quan đến cách Harvard xử lý các vấn đề nội bộ, bao gồm các biểu tình về xung đột Israel – Gaza và cáo buộc liên quan đến sinh viên Do Thái.
Một thông cáo báo chí trên trang web của Bộ cũng đề cập đến các mối liên hệ giữa trường đại học này và một số tổ chức tại Trung Quốc, trong đó có nhắc đến Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương. Nội dung thông cáo cho rằng một số hoạt động của trường có liên quan đến nhóm này. Phía Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc về vi phạm nhân quyền tại khu vực này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh, khẳng định: “Hợp tác giáo dục giữa Trung Quốc và Mỹ là mối quan hệ có lợi cho cả hai bên. Trung Quốc luôn phản đối việc chính trị hóa lĩnh vực giáo dục”. Bà cho rằng những quyết định như vậy có thể gây tổn hại đến uy tín và hình ảnh quốc tế của Mỹ.

Bên trong khuôn viên Trường Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, Mỹ ngày 15/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Một sinh viên năm cuối người Trung Quốc tại Harvard, cũng không nêu tên, chia sẻ rằng anh từng có ý định ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, những diễn biến mới cùng với các hành xử liên quan đến sinh viên ủng hộ Palestine đã khiến anh và nhiều bạn bè cân nhắc việc rời đi.
Anh lo ngại rằng chính sách mới có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lễ tốt nghiệp sắp tới cũng như giá trị bằng cấp. Dù vậy, anh vẫn hy vọng: “Tôi nghĩ chính sách này có thể thay đổi được. Nó chắc chắn là vi hiến”.
Trước những diễn biến này, ngày 23/5, Trường Đại học Harvard đã phản ứng ngay lập tức bằng việc đệ đơn kiện chính phủ liên bang tại tòa án ở Boston, cho rằng hành động này vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Trong đơn kiện, Harvard nhấn mạnh tác động tức thời và sâu rộng của chính sách, khi hơn 7.000 sinh viên sở hữu thị thực có thể bị ảnh hưởng.
“Chỉ bằng một nét bút, chính phủ đã tìm cách xóa bỏ gần 1/4 số sinh viên của Harvard – những người đang đóng góp không nhỏ cho học thuật và sứ mệnh của trường”, đơn kiện viết.
Ngoài ra, Havard cũng thông báo sẽ yêu cầu tòa án ban hành lệnh cấm tạm thời để ngăn Bộ An ninh Nội địa thực thi quyết định này. Trước đó, một thẩm phán liên bang tại California từng ra phán quyết ngăn cản các nỗ lực chấm dứt tình trạng pháp lý của sinh viên quốc tế khi chưa có kết luận rõ ràng từ các vụ kiện liên quan.
Dù có những hành động pháp lý bảo vệ, bầu không khí lo lắng vẫn bao trùm cộng đồng sinh viên quốc tế.
“Mọi người đều rất lo lắng”, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ chia sẻ. “Thật sự khó khăn cho những ai đang học tại đây hiện nay”.
Nỗi lo không chỉ giới hạn ở những sinh viên đang theo học tại ngôi trường này, mà còn ảnh hưởng đến các sinh viên mới nhập học. Anh Zhu Wenbo, một sinh viên dự kiến bắt đầu chương trình thạc sĩ tại Trường Thiết kế Sau đại học Harvard vào cuối năm, đã gặp trục trặc trong quá trình xin thị thực. Tại cuộc phỏng vấn tại Lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán ngày 23/5, anh được thông báo rằng hồ sơ phải chuyển sang diện xử lý hành chính và không có thêm hướng dẫn cụ thể do chính sách mới.
“Tôi chỉ có thể chờ xem”, anh Zhu nói. Dù anh sẵn sàng hoãn việc nhập học một năm nếu được phép, anh cũng thừa nhận rằng không phải sinh viên nào cũng có thể lựa chọn như vậy.
Một số sinh viên khác đã từ chối lời mời nhập học từ các trường danh tiếng khác để đến Harvard, nay lại rơi vào tìn trạng mơ hồ.
Helena Tang, sinh viên đại học tại Vũ Hán dự kiến tham gia chương trình trao đổi học kỳ tại Harvard, chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ rất lâu để được học chương trình của Harvard. Tất nhiên, không thể không cảm thấy đôi chút thất vọng”.
Tang cho biết cô đã dành cả buổi sáng thảo luận các phương án với bạn bè – những người cũng đang chịu ảnh hưởng bởi chính sách hiện tại. Tuy nhiên, cô vẫn giữ thái độ lạc quan.
“Chúng tôi đã bình tĩnh lại. Giờ không phải giờ làm việc ở Mỹ, nên lo lắng lúc này cũng không giúp ích gì”, Tang nói và bày tỏ hy vọng rằng Hiến pháp Mỹ sẽ là công cụ bảo vệ quyền lợi của sinh viên quốc tế.
Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc