Từng bước đồng bộ tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục

0
0
Rate this post

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đưa ra 6 định hướng trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính công bằng trong tuyển sinh GDNN và GDTX. Ành: baochinhphu.vn

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Trong thời gian gần đây, hệ thống Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều cơ sở Giáo dục thường xuyên đã tích cực chủ động tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Số lượng học sinh, sinh viên vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có xu hướng tăng; chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao. Mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Giáo dục nghề nghiệp đã bước đầu đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, công tác tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: nhận thức của xã hội về Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên chưa thực sự đúng đắn và đầy đủ. Công tác tuyển sinh còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; chất lượng đào tạo giữa các cơ sở còn có sự chênh lệch. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động qua đào tạo, có kỹ năng nghề cao.

Đưa ra những định hướng trọng tâm cho công tác tuyển sinh năm 2025, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu từng bước thống nhất và đồng bộ công tác tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục. Xây dựng hệ thống thông tin tuyển sinh tích hợp, cho phép người học dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và đăng ký xét tuyển vào các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành quy chế tuyển sinh thống nhất, áp dụng cho tất cả các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên trên cả nước, đảm bảo công bằng, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

Trước mắt để kịp thời triển khai công tác tuyển sinh theo đúng kế hoạch, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên tiếp tục thực hiện theo các phương thức tuyển sinh truyền thống và nghiên cứu hệ thống tuyển sinh đại học để chủ động đăng ký tham gia.

Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên cần đổi mới mạnh mẽ phương thức truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội để tiếp cận hiệu quả với đối tượng người học; đẩy mạnh truyền thông về các câu chuyện thành công, tấm gương điển hình của người học và người lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, áp dụng hình thức xét tuyển linh hoạt phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, địa phương; số hóa quy trình tuyển sinh, từ đăng ký xét tuyển, xét duyệt hồ sơ đến công bố kết quả, nhập học.

Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các cơ sở cần có chính sách tuyển sinh ưu tiên, hỗ trợ đặc biệt để thu hút người học, góp phần đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng mềm cho người học; tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tin học, kỹ năng số.

Việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp cần tăng cường nhằm thúc đẩy hình thức đào tạo kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong đó người học được học tập, thực hành tại cả trường học và doanh nghiệp, thúc đẩy học tập suốt đời trong xã hội, đặc biệt là đối với người lao động trong độ tuổi.

Gợi ý nghiên cứu triển khai mô hình “học kỳ doanh nghiệp” để người học có cơ hội trải nghiệm thực tế môi trường làm việc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo và tuyển dụng học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề trong các dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội trong năm 2025.

Việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo là một bước tiến quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống giáo dục thống nhất, liên thông và hiệu quả. Vì vậy, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo.

Là một trong những địa phương làm tốt công tác tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Công tác tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên ở Thành phố Hồ chí Minh được chú trọng thực hiện theo 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN. Định kỳ hàng năm, Sở triển khai công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc Trung học đến tất cả các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

Mặc dù vậy, tuyển sinh cho Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên vẫn đối mặt với những khó khăn như tâm lý người dân vẫn còn coi trọng bằng cấp, đa phần phụ huynh vẫn hướng con em vào đại học sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc Trung học chưa thực sự hiệu quả.

Liên quan đến việc mở ngành mới, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết: Nhà trường đang phải đối mặt với các khó khăn như giáo trình, nhân lực, trang thiết bị. Vì vậy, cần có cơ chế phối hợp với các đơn vị giáo dục cũng như doanh nghiệp trong đào tạo.

Đối với ngành công nghiệp bán dẫn, theo Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 18 trường đại học được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường cao đẳng nghề cũng có thể đào tạo được ngành công nghiệp bán dẫn. Vì vậy, ông Phạm Xuân Khánh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với Chính phủ bổ sung các trường nghề vào chương trình này.

Việt Hà (TTXVN)

Link nguồn: https://baotintuc.vn/giao-duc/tung-buoc-dong-bo-tuyen-sinh-giao-duc-nghe-nghiep-giao-duc-thuong-xuyen-trong-he-thong-giao-duc-20250516154636961.htm
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận